Số người trực tuyến: 1
Số người truy cập: 6318078
 
TỘC ƯỚC

Bản QUY ƯỚC XÂY DỰNG GIA TỘC của Tộc VÕ (VŨ) VĂN Bàn Thạch đã có từ xa xưa, nó được xây dựng rất linh động theo từng giai đoạn, từng thời kỳ cho phù hợp với xã hội của giai đoạn đó. Tựu trung, hướng tất cả bà con trong dòng tộc đến tính chân, thiện, mỹ. Bản quy ước hôm nay dựa trên nền của các bản tộc ước trước, đã được ông Võ Đức Tuấn (đời 17 phái Trưởng) là phó trưởng tộc đương nhiệm phó chủ tịch xã Duy Vinh biên soạn và hệ thống lại cho phù hợp với thời kỳ hiện nay, đã được hội đồng gia tộc phê chuẩn.

QUY ƯỚC XÂY DỰNG GIA TỘC

A/- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

Để gắn bó với nhau hơn và thống nhất cao trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt Tộc họ “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, chính vì vậy Võ Văn Tộc Bàn Thạch - Duy Vinh - Duy Xuyên cũng như bao Tộc khác. Xuất phát từ thiện tâm, hảo ý của đại đa số thành viên trong tộc họ để lập bản Quy ước Võ Văn Tộc không ngoài mục đích:

1/- Nhằm nâng cao vai trò tộc họ góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi con người, mỗi gia đình, gia tộc phấn đấu rèn luyện ngay trong cộng đồng dân cư và chi nhánh tộc họ của mình.

2/- Xây dựng Tộc họ văn hóa nhằm bảo vệ và phát huy truyền thống của gia tộc, giáo dục con cháu ý thức hướng về cội nguồn, sống có nghĩa tình, tôn trọng tôn ti thượng hạ, đạo lý gia phong và sự bền vững của dòng tộc.

3/- Xây dựng Tộc họ Văn hóa là quá trình điều chỉnh hành vi con người thông qua các mối quan hệ huyết thống gia đình dòng tộc và xã hội. Bằng quan hệ đạo đức từng bước hạn chế tối đa những tiêu cực tồn tại yếu kém trong đời sống xã hội, gia đình, gia tộc.

4/- Con cháu Võ Văn Tộc ở khắp mọi nơi. Vì vậy, bản Tộc ước phải được các thành viên trong Hội Đồng Gia Tộc, các Chi, các Phái, các ban đại diện từng khu vực phổ biến rộng rãi đến tận bà con trong tộc. Hằng năm vào ngày tế lễ tổ chức sinh hoạt gia tộc đánh giá việc thực hiện quy ước và tổng hợp ý kiến đóng góp bổ sung hoàn thiện ngày một tốt hơn theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội.

B/- NỘI DUNG QUY ƯỚC:

Chương I

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG GIA TỘC, PHỤNG THỜ TỔ TIÊN

1/- Mối quan hệ gia tộc và gia đình:

Điều 1: Tất cả các hộ con cháu trong Tộc phấn đấu xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, gia tộc theo 04 tiêu chuẩn sau:

- Giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục, loại bỏ những tập tục lạc hậu mê tín dị đoan, đoàn kết tương trợ cộng đồng.

- Giữ gìn vệ sinh trong gia đình và nơi công cộng góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

- Các thành viên trong gia đình sống hòa thuận, dân chủ thương yêu đùm bọc cùng nhau xây dựng gia đình “No ấm, khỏe mạnh, văn hóa, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Ông bà, cha mẹ và những người lớn trong gia đình phải sống mẫu mực, chăm lo việc học tập, giáo dục đạo đức cho con cháu. Con cháu phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ và những người thân.

- Tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân.

Điều 2: Con người sinh ra ai cũng mang trong mình một dòng máu gắn liền với tình thâm cốt nhục, cho nên lúc nào và bao giờ cũng phải ghi nhớ lời dạy của ông cha ta: “ Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Vì vậy trong cuộc sống phải luôn luôn bảo vệ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, vui buồn cùng chia sẻ, phải trái phân minh nghĩa tình trọn vẹn, phải biết tôn ti thượng hạ phân biệt đời thứ.

Điều 3: Không phân biệt con nuôi, con đẻ, con ngoài giá thú, miễn sao có ý thức trách nhiệm, sống có tình nghĩa, được HĐGT thừa nhận là con cháu trong dòng họ. Người nào sinh trước là anh, chị và được ghi vào tôn đồ.

Điều 4: Quan hệ hôn nhân theo đúng pháp luật, không kết hôn với người cùng họ Võ hoặc đang có quan hệ nội ngoại với Tộc Võ Văn, không tảo hôn, ép cưới, thực hiện hôn nhân tự nguyện.

Điều 5: Con cháu từ 18 tuổi trở lên đã lập gia đình có tài sản riêng mặc dù còn ở chung với cha mẹ đều là hộ gia đình trong gia tộc, phải có trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng góp xây dựng Tộc họ.

2/- Phụng thờ tổ tiên, xây dựng gia tộc lành mạnh:

Điều 6: Trải qua bao thế hệ các vị tổ tiên đã dày công vun đắp xây dựng gia tộc lớn mạnh đến ngày hôm nay. Vì vậy con cháu trong Tộc phải luôn hướng về cội nguồn, về mồ mã ông bà tổ tiên, nơi thờ phụng ngọn hương, bác nước trong ngày tế xuân mùng 2 tháng 03 âm lịch (03 năm tổ chức 01 lần) và ngày giỗ kỵ với lòng thành kính tri ân,đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng hiếu thảo công ơn trời biển của ông bà cha mẹ.

“Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Điều 7: Mỗi khu vực dân cư thành lập chi nhánh,ban đại diện Tộc để quản lý động viên thăm hỏi đời sống vật chất tinh thần của con cháu, tạo mọi điều kiện hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau làm kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, giảm dần hộ đói nghèo trong thân tộc, không còn con cháu nợ nần dây dưa, không có con cháu bị thất học, tham gia hòa giải những mâu thuẫn mất đoàn kết giữa các hộ gia đình trong làng xóm, trong tộc họ và các tộc họ khác.

Điều 8: Mỗi chi nhánh ở từng khu vực hằng năm xây dựng quỹ tương tế ít nhất 10.000đ/người để thăm hỏi con cháu lúc ốm đau, khi qua đời, đại diện HĐGT tham gia ban lễ tang, chăm lo mai táng chu đáo và phúng điếu, giúp đỡ tinh thần vật chất khi gặp thiên tai hoạn nạn. Tổ chức quyên góp đột xuất trong nội bộ để cứu trợ con cháu lúc hiểm nghèo.

Điều 9: Con cháu trai, gái, dâu khi qua đời phải báo với Tộc để được đưa đại cổ, cờ phướng, phúng điếu, cháu trai khi qua đời hưởng thọ 70 tuổi trở lên Tộc đi liễn thờ. Hăng năm vào dịp lễ tế xuân Tộc trao bằng mừng thọ cụ ông cụ bà 80 tuổi trở lên.

Điều 10: HĐGT do hội nghị đại biểu con cháu cử bằng hiệp thương được UBMT địa phương công nhận, có trách nhiệm quản lý điều hành mọi công việc của Tộc và quan hệ đối ngoại, tham gia các hoạt động của UBMTTQ phát động nhiệm kỳ 05 năm.

Điều 11: Từng chi nhánh ở từng khu vực dân cư lập sổ danh sách con cháu, ghi rõ họ tên, phái, đời, tiếp tục bổ sung danh sách con cháu chưa ghi vào tôn đồ chi, phái, tộc. Các phái đã xây dựng nhà thờ và có khả năng trong tương lai xây dựng nơi thờ phụng phải báo cáo với HĐGT và được treo biển VÕ VĂN TỘC Bàn Thạch – Duy Vinh – Duy Xuyên, phái , chi.

Điều 12: Con cháu có bổn phận giữ gìn và phát huy truyền thống nhân nghĩa của tổ tiên, bảo vệ tôn ti thượng hạ, đạo lý gia phong và sự bền vững của dòng tộc, phải tham gia đầy đủ các lần họp tộc, đi đúng giờ, tham gia đóng góp để xây dựng nhà thờ tộc và các khoản khác.

- Đóng góp quỹ tộc hằng năm (ngoài đại lễ) để chi phí lễ tế xuân, mùng 5, Tết, tương tế, mua sắm dụng cụ,
ốm đau, mai táng.

- Quỹ tương tế phục vụ khu vực dân cư nội bộ tộc.

- Xây dựng cơ sở từ đường theo dự toán xây dựng các hạng mục công trình.

- Khuyến khích con cháu đóng góp quỹ khuyến học của tộc.

Điều 13: HĐGT có trách nhiệm trước Tộc họ, quản lý sử dụng nguồn tài chính đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả, lập danh sách lưu trữ và công khai đến từng con cháu ở từng khu vực các khoản đóng góp xây dựng cơ sở từ đường qua các đợt, báo cáo tổng hợp theo năm. Báo cáo quyết toán cụ thể từng hạng mục xây dựng, đóng góp của con cháu kể cả hiện vật và công trình xây dựng.

Chương II

BỔN PHẬN CỦA CON CHÁU TRAO DỒI ĐẠO ĐỨC,

Ý THỨC TRÁCH NHIỆM VỚI GIA ĐÌNH

Điều 14: Con cháu phải luôn luôn tự rèn luyện đạo đức tác phong lối sống, làm ăn lương thiện. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dẫu có khó khăn nghèo túng “Đói cho sạch rách cho thơm” Vẫn phải giữ gìn nhân phẩm, trung thực, không làm điều gì trái với đạo lý dân tộc làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của dòng tộc, luôn có ý chí và lòng kiên nhẫn, tự thân vận động vương lên trong lao động, học tập và công tác.

Điều 15: Trong làm ăn sinh sống, trong quan hệ gia đình, dòng tộc và xã hội luôn coi trọng “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, có lòng vị tha nhân ái, hòa nhã, gần gũi với mọi người, không vì động cơ lợi ích vật chất, sự đam mê cám dỗ tình ái làm mất lương tri đạo lý làm người. Phải thấm nhuần ý nghĩ câu “Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tựa thiên kim” mà xử sự trong cuộc sống.

Điều 16: Đối với bậc cao niên ông bà, cha mẹ, chú bác, cô cậu dì ruột phải yêu thương và luôn có trách nhiệm với con cháu, phải thật sự sống gương mẫu, luôn vị tha, quan tâm dạy dỗ con cháu làm điều hay lẽ phải, việc thiện, lễ phép với mọi người. Đối với con cháu bằng việc làm thiết thực tỏ lòng hiếu thảo, luôn tiếp thu những lời dạy bảo của các bậc cao niên ông bà, cha mẹ, đoàn thể, biết nhận những khuyết điểm để sữa chữa trở thành người tốt.

Điều 17: HĐGT phái, chi, ban đại diện tộc ở khu vực dân cư quan tâm theo dõi giúp đỡ góp ý xây dựng con cháu khi bị khuyết điểm và những trường hợp vợ chồng bất hòa, con cháu hư hỏng, mất đoàn kết trong nội bộ gia tộc và láng giềng. Phải có tinh thần hòa giải, khuyên răn giáo dục những trường hợp con cháu vi phạm pháp luật ở mức độ nhẹ, HĐGT đứng ra bảo lãnh về giáo dục, phân tích sai trái để con cháu cảm nhận lỗi lầm và cam kết bằng văn bản không tái phạm trước tổ tiên và HĐGT.

Điều 18: Qua nhiều lần Tộc giáo dục rèn luyện, bảo lãnh vẫn không tiến bộ làm tổn thương đến danh dự, uy tín của gia đình và dòng tộc thì phê bình. Cảnh cáo làm kiểm điểm cam kết trước HĐGT không tái phạm.

Chương III

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH NO ẤM, HẠNH PHÚC, TIẾN BỘ CÓ MỐI

QUAN HỆ THÂN THIỆN VỚI XÓM LÀNG

Gia đình là tế bào của dòng tộc và cũng là tế bào của xã hội, để có một tộc họ tốt, xã hội tốt thì trước nhất phải xây dựng từng gia đình thật tốt, đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Gia đình là nơi sản sinh nuôi dưỡng, giáo dục con người, gia đình không chỉ có tính chất di truyền nòi giống mà có truyền thống gia phong mạnh mẽ tới mức có khả năng tiếp thu những văn minh tiến bộ, nhanh nhạy để chống đỡ những tác động xấu từ bên ngoài. Từ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc tiến bộ, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình như một nguồn lực vô tận để phát triển xã hội.

Điều 19: Một gia đình gương mẫu, hạnh phúc bắc đầu từ sự hòa thuận thủy chung son sắc dân chủ bình đẳng tiến bộ, biết chăm lo để nâng cao đời sống, con cháu lễ phép chăm học, chăm làm, người lớn mẫu mực đối xử bình đẳng với con cháu, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, vui chơi giải trí và rèn luyện đạo đức, sức khỏe. Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3.

Điều 20: Trong quan hệ hai bên gia tộc, bốn bên nội ngoại phải đối xử bình đẳng, gánh vác công việc bên nội cũng như bên ngoại, xứng đáng dâu hiền rể thảo.

Điều 21: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, không cờ bạc, rượu chè say sưa gây rối an ninh trật tự, làm rạn nứt hạnh phúc gia đình, không còn nợ nần dây dưa, không vi phạm pháp luật, không có con cháu thất học, khắc phục khó khăn tự lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao mức sống.

Điều 22: Trong quan hệ xã hội phải tăng cường tình làng nghĩa xóm, luôn luôn gần gũi yêu thương giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn, có ý nghĩa sâu nặng trong cuộc sống “Bà con xa không bằng láng giềng gần”.

Điều 23: Nhà cửa vườn tược, công trình vệ sinh sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, tôn trọng quyền lợi và cuộc sống riêng tư của mọi người xung quanh, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp, từng hộ gia đình gia tộc phấn đấu hằng năm 99% trở lên được địa phương công nhận gia đình văn hóa.

Chương IV

CHĂM LO BỒI DƯỠNG CÁC THẾ HỆ MAI SAU

Điều 24: Chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ đó là điều mà Đảng và Bác Hồ rất quan tâm: “Bồi dưỡng đào tạo giáo dục thế hệ trẻ cho mai sau là việc làm rất cần thiết” Tộc họ gia đình, dòng tộc cũng vậy, thế hệ trẻ trong dòng tộc là lớp người kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông. HĐGT các chi phái cần quan tâm giáo dục về truyền thống, ý thức về cội nguồn, sự phồn vinh cùa gia tộc, phải chăm lo nuôi dưỡng giáo dục đào tạo thành tài để bổ sung nhân lực có ích cho xã hội góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.

Điều 25: HĐGT vận động con cháu đóng góp xây dựng quỹ khuyến học của tộc để động viên tinh thần học tập bằng những phần thưởng khuyến khích con cháu học giỏi và thành đạt:

-Con cháu trong tộc đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế.

-Thi đỗ vào đại học, đạt hạng ưu trở lên

-Con cháu đỗ đạt học hàm, học vị từ bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Ngoài phần thưởng ghi vào bia “Hiền tài, Hiền Sĩ ” của Tộc. Khi đỗ đạt thành tài con cháu báo cáo với Tộc để được yết bái tổ tiên tại nhà thờ. Hằng năm tùy theo khả năng nguồn quỹ khuyến học của Tộc mà đông viên khăn thưởng.

Chương V

THỰC THI

Điều 26: HĐGT, các chi phái, Ban đại diện chi nhánh hằng năm thông qua các ngày tế lễ, sinh hoạt tộc triển khai rộng rãi, đôn đốc nhắc nhở con cháu trong tộc thực hiện các điều khoản trong quy ước nầy.

Nếu vi phạm, tùy theo mức độ năng nhẹ áp dụng các hình thức kỷ luật theo điều 17, 18 chương II.

Nếu làm tốt sẽ được biểu dương khen thưởng trong tộc hoặc đề nghị lên trên khen thưởng.

Điều 27: Quy ước nầy có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 04 năm 2005. Không một ai được quyền làm trái hay tự quyết sửa đổi các điều khoản quy ước này. Nếu cần thay đổi bổ sung phải được sự thống nhất cao trong HĐGT và con cháu trong gia tộc. Hằng năm các ngày lễ tế xuân của tộc, lễ lệ các phái chi thông qua sinh hoạt kiểm điểm đánh giá việc thực hiện quy ước này.

TM. HỘI ĐỒNG GIA TỘC

PHÓ TRƯỞNG TỘC

VÕ ĐỨC TUẤN

(Đời 17 phái 1 Chi 1)

LIÊN KÉT WEB
 

Bản quyền thuộc về Hội đồng gia tộc họ Võ - Bàn Thạch
® Ghi rõ nguồn "www.vobanthach.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Mọi thông tin vui lòng liên hệ Ông Võ Văn Hoàng - 090 6666 257
Email: cafehoang161@yahoo.com.vn

Copyright © 2010 by Vo Ban Thach. Thiết kế web bởi Trang Web Vàng.